Lời bài hát được hát bởi Thành Lộc
-
Tên bài hátTác giả
Tên thật: Nguyễn Thành Lộc
Ngày sinh: 03/11 - Quốc gia: Việt Nam
Nghệ sĩ Thành Lộc tên thật là Nguyễn Thành Lộc (sinh 3 tháng 11 năm 1961), là một diễn viên hài - kịch gạo cội của Việt Nam, anh được biết đến nhiều qua các vai diễn như: người lính Vorodin trong vở Đêm hoạ mi, Chu Xung trong vở kịch kinh điển Lôi Vũ, Ba Thư trong Đối mặt và vai ông Tư trong vở Dạ cổ hoài lang[1]... Năm 2001, Thành Lộc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vì những đóng góp lớn cho nền nghệ thuật nước nhà. Bên cạnh đó, anh còn được giới báo chí cũng như đồng nghiệp mệnh danh là "Phù thủy của những vai diễn"[2].
Ngoài thành công trong lĩnh vực sân khấu kịch, Thành Lộc còn đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như: người dẫn chương trình, diễn viên điện ảnh, diễn viên hài, đạo diễn sân khấu, và hiện nay là Phó Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf.
Thành Lộc sinh tại Sài Gòn. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật, cha là Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn, mẹ là nữ nghệ nhân hát bội Huỳnh Mai và ngay cả hai anh chị của anh - Bạch Long, Bạch Lê đều là những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng tại miền Nam thời kỳ những năm 1970 - 1980. [3]
Năm 1969, khi vừa tròn 8 tuổi, Thành Lộc đã làm quen với sân khấu từ đội múa Nhà Thiếu nhi thành phố (Sài Gòn cũ), rồi ban kịch thiếu nhi của Đài Truyền hình Sài Gòn, thời kỳ này anh lấy nghệ danh là Thành Tâm[3]... Năm 1982, Thành Lộc tốt nghiệp khoa diễn viên trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh và một năm sau anh về đầu quân cho đoàn kịch Tuổi Trẻ Tp. Hồ Chí Minh.
Sau đó, vào năm 1983, Thành Lộc gia nhập Câu lạc bộ Kịch thể nghiệm Tp. Hồ Chí Minh (ngày nay gọi là nhà hát kịch Sân khấu nhỏ). Năm 1997, chuyển về biểu diễn tại sân khấu IDECAF (Viện trao đổi văn hoá với nước Pháp).
Trong khoảng thời gian này, Thành Lộc dần dần khẳng định được tài năng của mình qua các vai diễn được đánh giá là "kinh điển" của sân khấu kịch Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung, anh lần lượt thể hiện nhiều loại vai với tính cách đa dạng như: vai anh chàng thư sinh Chu Xung bất hạnh trong vở Lôi Vũ, vai ông Tư - một ông già sống nơi xứ người, ẩn ức khi nghĩ đến con cháu "mất gốc" trong vở Dạ cổ hoài lang, vai ông Thiện trong Ngôi nhà không có đàn ông - một ông già tuy đã ngoài 50 nhưng yêu một cô gái mới chỉ 20 tuổi, đây là vai diễn mà Thành Lộc tâm đắc nhất. Anh tâm sự: "Lúc đầu có người ngộ nhận vai ông Thiện phải là một vai hài. Tôi nhận thức rõ ý tác giả và đã diễn khác. Ông Thiện xuất hiện ít nhưng là một vai diễn có chiều sâu trong tâm hồn và có nhiều đất để người diễn viên sáng tạo. Tôi rất thích những vai dù ít xuất hiện, nhưng có chiều sâu để mình tập trung sáng tạo và thể hiện đầy đủ tính cách của nhân vật"[5].
Tháng 4 năm 2000, Thành Lộc và diễn viên Huỳnh Anh Tuấn cùng nhau thành lập Công ty TNHH Sân khấu và Nghệ thuật Thái Dương (IDECAF), đây là một công ty gần như duy nhất tại Việt Nam chuyên dàn dựng những vở kịch dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi. Tại đây, anh vừa là phó chỉ đạo nghệ thuật, kiêm luôn diễn viên chính của đoàn. Hiện nay, Thành Lộc tiếp tục đảm nhiệm thêm vị trí đạo diễn dàn dựng sân khấu. Với sân khấu kịch này, Thành Lộc đã dàn dựng rất thành công chương trình Ngày xửa ngày xưa - một chương trình hài kịch dành cho thiếu nhi. Với những vai rất hồn nhiên và nhí nhảnh như vai Thần Nhẫn trong Aladin và đủ thứ thần, Chó ghẻ trong Cậu bé rừng xanh, Cú mèo trong Nữ thần Ly Kim Chi, Ốc mượn hồn trong Sơn tinh - Thủy tinh[6]...
Ngoài sân khấu kịch, Thành Lộc còn tham gia vào nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác trong đó có điện ảnh. Anh từng xuất hiện trong nhiều bộ phim với các vai diễn như: vai Lộc (giả gái) trong phim hài 2 trong 1[7], vai Lý Thông trong phim Thạch Sanh[8], vai thầy hiệu trưởng ưa thành tích trong phim Nụ hôn thần chết, vai ông chủ tiệm phở Hoàng trong phim truyền hình dài 100 tập Mùi ngò gai, và đặc biệt là vai chính trong bộ phim Thời thơ ấu của đạo diễn Lê Văn Duy, bộ phim kể về cuộc đời đầy thăng trầm của một cậu học trò miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, đây là bộ phim đầu tiên Thành Lộc thủ vai chính và đã gây được nhiều ấn tượng sâu sắc đến người xem.
Trong năm 2008, Thành Lộc quyết định ra mắt một album ca nhạc mang tên "Những điều thần tiên". CD bao gồm những bài hát thiếu nhi do chính anh trình bày. Dự án này được thực hiện nhằm gây quỹ giúp các trẻ em không may mắn bị nhiễm căn bệnh ung thư của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành tích và các giải thưởng[4]
Nghệ sĩ Thành Lộc (ngoài cùng bên phải)
Với trên 200 vai diễn gồm những tính cách đa dạng trên sân khấu và cả điện ảnh, từ những vai chính diện đến phản diện, người già đến trẻ nhỏ, bi đến hài, con người đến muông thú... Thành Lộc được coi như là một trong những nghệ sĩ tài năng của sân khấu kịch Việt Nam. Anh đã đạt được nhiều giải thưởng như:
* Giải diễn viên xuất sắc, diễn viên được yêu thích trong năm trong các giải liên hoan kịch chuyên nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh do báo Tuổi trẻ, Người Lao Động, Thanh Niên tổ chức vào liên tiếp những năm từ 1989 đến 1999
* Giải "Cù nèo vàng" năm 1997, một giải thưởng tổ chức thường niên, được trao tặng cho các nghệ sĩ hài có đóng góp lớn cho sân khấu Thành phố.
* Năm 2001, Thành Lộc được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Cũng trong năm này, Thành lộc được tạp chí "Mốt Việt Nam" bình chọn là nghệ sĩ ăn mặc thời trang nhất của năm[10].
* Huy chương "Vì Sự nghiệp Sân khấu" do Bộ Văn hoá - Thông tin tặng.
* Vở Bí mật vườn Lệ Chi - Giải thưởng Hội sân khấu Việt Nam năm 2000.
* Năm 2006, Thành Lộc đoạt giải Nam diễn viên kịch nói được yêu thích nhất HTV Awards. [11]
* Năm 2007, Thành Lộc được trao giải Mai Vàng cũng cho chính vở "Bí mật vườn Lệ Chi"[12].
* Năm 2010, nhân kỉ niệm 15 năm "Giải Mai Vàng" báo Người Lao Động, Thành Lộc đã được trao giải "Đạo diễn được yêu thích nhất" cho vở "Ngàn năm tình sử" và giải "Thành tựu Mai Vàng".