Lời bài hát được hát bởi Y Phụng
-
Tên bài hátTác giả
Tên thật: Nguyễn Mỹ Thể
Ngày sinh: 1979 - Quốc gia: Việt Nam
Công ty đại diện: Ca sĩ Tự Do
"Làm con của vua, sướng quá chứ..." Nhưng làm con của ông vua nghệ sĩ cải lương Minh Phụng vẫn khổ... vẫn phải đi từng bước gian nan, từng ngày, từng tháng... mới có được tên nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh Y PHỤNG ngày hôm nay. Và chính sự cố gắng, học hỏi... cộng với niềm đam mê, chịu vượt qua những cơn đau, nỗi buồn đã giúp cho Y Phụng thành công rất nhiều ở những lãnh vực nghệ thuật mà cô đã đi qua. Thừa hưởng giòng máu nghệ sĩ của bà ngoại và cha, Y Phụng đã biết yêu ánh đèn sân khấu từ năm lên sáu tuổi. Dù chỉ là vai "đào con", cầm đuốc đi ra đi vô, vài phút đồng hồ trong vở tuồng Khói Rừng Quê Mẹ, nhưng khán giả của đoàn cải lương Tiếng Hát Quê Hương lúc bấy giờ đều thích thú trước lối diễn xuất thật dễ thương, hồn nhiên của bé Y Phụng. Thời đó, trước khi mở màn hát cải lương, các buổi hát thường có phần phụ diễn ca nhạc, Y Phụng cũng đã được cha mẹ khích lệ tập dượt đứng hát một mình những bài thiếu nhi như Mùa Xuân Em Đi Hái Hoa... Năm lên tám, vì muốn con gái đi học đàng hoàng, nghệ sĩ Minh Phụng và Kiều Tiên chỉ cho Y Phụng bước lên sân khấu ở Sài Gòn vào dịp Hè lúc trường học nghĩ và sau đó là phải rời sân khấu không được theo đoàn lưu diễn đó đây ở dưới các miền tỉnh xa xôi. Năm lên 11, 12 tuổi... ba mẹ khuyến khích cô theo học trong trường nhịp điệu Ba lê và thể dục, dụng cụ ở trường Hưng Đạo. Càng học, càng yêu thích... và năm 14 tuổi, qua những băng ca nhạc Video từ hải ngoại "tuồn" về trong nước, hình ảnh sống động nóng bỏng của Madonna, Linda Trang Đài... càng làm cháy bỏng những đam mê thao thức của Y Phụng từ bao lâu. Những bước chân di động quyến rũ, những động tác đưa tay mời gọi ru ngủ đất trời... trên màn ảnh nhỏ của các thần tượng âm nhạc đã là những "dấu ấn" trong tim, trong đầu của Y Phụng, và cũng có thể nói của rất nhiều khán giả trẻ thời bấy giờ ở Việt Nam. Sau nhiều lần trốn học bỏ lớp, bị cha mẹ biết được rầy la cấm đoán dữ lắm, Y Phụng phải khai thiệt và xin cha mẹ cho đi hát. Cả đời làm nghệ sĩ, Minh Phụng và Kiều Tiên hiểu được những vinh quang và nhọc nhằn của nghề nghiệp này, cho nên sau những lần khuyên răn chỉ bảo mà Y Phụng vẫn một mực xin cha mẹ cho đi hát, gia đình đành chấp thuận với một điều kiện: "Trong vòng một năm con đi hát thành công thì thôi, còn hát không ra gì, con phải... về nhà đi học đàng hoàng". Thế là mỗi chiều mới có 5, 6 giờ là Y Phụng đã chuẩn bị thay đổi y phục chưng diện kỹ lưỡng thật đẹp để có mặt kịp tại sân khấu.Thời gian đầu đi hát, tuy là hát chùa không tiền nhưng lòng vẫn vui như Tết, chỉ mong sao tới chiều lè lẹ để chưng diện thay đồ. Tuy là con của nghệ sĩ Minh Phụng có nhiều điều kiện ưu tiên, nhưng cha mẹ cô vẫn tập cho con mình bước đi bằng chính bước chân vững chãi của mình mà không hề dựa uy, ỷ thế vào ai. Vẫn phải có mặt thật sớm để làm ca sĩ "dàn lót" kéo giữ cho những ngôi sao tới trễ. Có đêm buồn hiu hắt vì ngồi đến phút cuối mà vẫn không được diễn phải đi về. Tuy chưa có tên tuổi gì cả, nhưng sau vài lần trình diễn đầu tiên ở rạp Lao Động, do bầu Duy Ngọc phụ trách, tiết mục Y Phụng được nhiều bạn bè để ý, yêu thích. Lần lần, sau những lần giới thiệu tên Y Phụng, cô càng lúc đón nhận rất nhiều tràng pháo tay thật dữ dội. Chỉ một thời gian ngắn ngủi, nhiều tụ điểm ca nhạc đã mời Y Phụng về hát. Rồi ở những tỉnh thành xa xôi, bầu show cũng bắt đầu mời đi hát. Lúc đó khổ lắm, vì không có tên tuổi nên hát đã lãnh ít tiền mà còn bị coi thường. Ca sĩ ngôi sao đi tỉnh được ngủ ở khách sạn, còn các ca sĩ như Y Phụng, Văn Phi Thông, Minh Thuận... phải ngủ ở rạp hát cho đỡ chi phí nhà tổ chức. Nấu ăn phải tự mang nồi lò xo bếp điện về mua gạo nấu ăn, tắm người này căng màn ra cho người kia tắm và làm gì có phòng tắm ở những nơi trình diễn đồng quê hẻo lánh. Từ hát chùa, tiền lương của Y Phụng được trả hai ngàn đồng, rồi ba ngàn... "Hai, ba ngàn đâu có nhiều gì anh. Chưa đủ tiền đổ xăng đó, nhưng cầm được tiền đi hát, em hạnh phúc không thể tả". Cầm được hai, ba ngàn... Y Phụng hí ha hí hửng tặng ngay ba một ngàn, mẹ một ngàn, bà ngoại một ngàn... thật là hãnh diện vì đây là số tiền đi làm bằng chính tài năng sức lực của mình. Thời điểm đó, một cô bé mới 14, 15 tuổi, mặc quần áo hơi hở hang táo bạo và trình diễn oai nhạc Mandonna. Linda Trang Đài tuy được nhiều bạn trẻ hoan nghênh, nhưng hầu hết giới báo chí ở Sài Gòn lúc bấy giờ không thể nào chấp nhận được. Những bài viết lên án, phê bình nặng tay... nêu thẳng tên Y Phụng, tưởng đâu lần đó đã làm chùn chân cô bé và dập tắt những ước mơ. Vì sợ báo chí "đánh lây", nhiều sân khấu tụ điểm khác không dám mời Y Phụng cộng tác nữa. Sân khấu duy nhất còn lại "dám" để cô ở lại là rạp Lao Động của ông bầu Duy Ngọc. Tình cảm đó, Y Phụng hứa với lòng sẽ có ngày trả lại. Tuy bị mấy bài báo "dập" te tua, nhưng cũng chính sự ồn ào đó đã làm nhiều người để ý thêm đến tên Y Phụng là ai? Con bé đó làm gì mà báo chí hôm qua nói nhiều dữ vậy?... Vậy đi coi thử ra sao cho biết. Cứ vậy, Y Phụng và rạp Lao Động lại có thêm mỗi ngày một số khán giả mới. Trong số những khán giả này, có cả Xuân Cường, Xuân Kỳ, những nhà đạo diễn làm phim đang đi tìm những khuôn mặt mới lạ và ăn ảnh, ăn đèn. Với ca khúc You're My Heart You're My Soul, Y Phụng đã tạo thành cơn sốt nóng bỏng hàng đêm cho giờ trình diễn của cô. Thế là Y Phụng được mời góp mặt trong một vai phụ, rất phụ... trong bộ phim Những Cánh Hoa Hoang Dại, và dù chỉ có xuất hiện một hai cảnh (sau khi bị cắt hết năm sáu cảnh quay) nhưng khuôn mặt Y Phụng lại để nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng rất nhiều khán giả coi phim lúc đó. Và may mắn thay, sự xuất hiện đó của Y Phụng dù rất ngắn nhưng cũng lọt vào được mắt xanh của nhà đạo diễn phù thủy hàng đầu Việt Nam: Lê Dân. Chính lẽ Dân mời Y Phụng thủ ngay vai chánh trong phim Riêng Chỉ Có Anh bên cạnh các ngôi sao thời đó như Lê Tuấn Anh, Diễm Hương. Tuy là một ca sĩ chưa có tên tuổi gì và tiếng hát chẳng bao nhiêu nhưng không hiểu sao đạo diễn Lê Dân một mực chọn vai chánh cho Y Phụng. Lúc ấy, y Phụng chỉ mới 15, 16 tuổi. Lần đầu được đóng vai chánh bên cạnh hai ngôi sao lớn, Y Phụng mừng lắm, nhưng trong kịch bản đòi hỏi Y Phụng phải cắt đi mái tóc dài của mình, cô bé khăng khăng từ chối và quyết định trả lại kịch bản cho đạo diễn. Đến nước này, mẹ cô nghệ sĩ Kiều Tiên ra lệnh nếu con không cắt tóc đóng phim, sẽ bị ngưng hát luôn. Hai chữ "cấm hát" quả là một đau khổ lớn nhất trong đời, nên sau những giờ phút vất vả khóc lóc, cũng phải đành cắt bỏ mái tóc dài yêu quý. Bộ phim Riêng Chỉ Có Anh ra mắt được sự hưởng ứng mạnh mẽ của khách mê phim thời đó. Và cũng nhờ cuốn phim này, hàng loạt kịch bản mới của nhiều nhà làm phim ồ ạt gởi tới Y Phụng. Từ đó mối duyên điện ảnh đã gắn chặt cùng Y Phụng rất mặn nồng. Mỗi khi đi diễn dù ở Sài Gòn hay ở các tỉnh, diễn viên điện ảnh rất được khán giả yêu mến. Những tấm "băng-rôn", khi thấy tên Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Việt Trinh, Y Phụng... đều được khán giả mua vé vào xem để được gặp mặt, được chuyện trò... Thời đó, những năm 1994, 1995... quả là thời hoàng kim của giới làm phim ảnh ở Sài Gòn. Y Phụng có lần nhận lời quay cho 3, 4 cuốn cùng một lúc, xong bối cảnh phim này, đạo diễn phải cho diễn viên chạy show đi quay cho một bộ phim khác, tuy bận rộn với điện ảnh, nhưng Y Phụng vẫn không bỏ quên sân khấu ca nhạc. Lúc này chỗ đứng của cô trong lòng người hâm mộ đã ở thật cao không như một năm về trước. Không còn những buổi hát chùa ngồi chờ thâu đêm. Giã từ những lần đi tỉnh bị ngủ ngoài rạp hát...