Lời bài hát được hát bởi Xuân Phú ft. Hiền Thục


Tên thật: Xuân Phú
Ngày sinh: 1977 - Quốc gia: Việt Nam
Công ty đại diện: Ca sĩ Tự Do
Xuân Phú là một trong những nam ca sĩ có phong cách riêng, có lượng khán giả riêng ở các phòng trà thuộc TP.HCM vài năm trước.Sinh ra và lớn lên tại thành phố sương mù Đà Lạt, niềm đam mê ca hát đến với Xuân Phú một cách tự nhiên. Anh không bao giờ nghĩ sau này mình sẽ trở thành ca sĩ, dù mới 16 tuổi (học lớp 10) Xuân Phú đã là cộng tác viên thường xuyên của Đài truyền hình Lâm Đồng trong các chương trình ca nhạc... Học hết cấp 3, do không có điều kiện theo học tiếp, Xuân Phú phải bươn chải để phụ giúp gia đình. Rồi tình cờ anh gặp nghệ sĩ Thành Lộc trong một phòng trà nhỏ.Qua chuyện trò, anh quyết định xuống Sài Gòn thử sức mình trong lĩnh vực ca hát. Duyên may, anh được nhiều người trong giới giúp đỡ mà đến giờ Xuân Phú vẫn nhắc đến họ với một niềm tri ân vô hạn. Đó là những nghệ sĩ Hồng Dung, nhạc sĩ Bảo Chấn, nhạc sĩ Lã Văn Cường... đã giúp anh có được những cơ hội thể hiện mình ở Trung tâm Băng nhạc PGP (hãng phim Giải Phóng), rồi phòng trà CK của cặp ca sĩ Bằng Kiều - Trizzie Phương Trinh. Dạo đó, dòng nhạc Hoa lời Việt đang ăn khách, nhiều người khuyên Xuân Phú theo dòng nhạc này nhưng tự thâm tâm Xuân Phú thấy giọng hát của mình không phù hợp nên “may mắn đã không lạc hướng”.Tháng 9.2002, Xuân Phú được anh Thanh Liêm mời về hát ở phòng trà Tiếng Tơ Đồng. Đây là cơ hội rất thuận lợi để tiếng hát Xuân Phú được biết đến nhiều hơn. Phát hiện được chất giọng trầm ấm, nồng nàn của anh, ông chủ phòng trà Tiếng Tơ Đồng đã “can đảm” tổ chức cho anh một mini - live show trong 2 đêm liền. Đến giờ, Xuân Phú vẫn còn nhớ đó là 2 đêm mưa tầm tã, thế nhưng khán giả vẫn ngồi chật chỗ. Một kỷ niệm đẹp. Anh nghiệm ra rằng phải lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc và cật lực cộng với sự may mắn mới có được những thành công nhất định.Xuân Phú cũng không quên nhắc đến chị Mỹ Hạnh (phòng trà 2B), ca sĩ Hoài Nam (biên tập viên văn nghệ, Đài truyền hình TP.HCM) là những người đã hỗ trợ, tạo nhiều điều kiện để tiếng hát cũng như hình ảnh của Xuân Phú ngày càng gần gũi với công chúng... Từ đó, Xuân Phú cộng tác với hầu hết các phòng trà lớn nhỏ ở TP.HCM. Không chỉ có thế, anh còn được mời tham gia các chương trình lớn (hầu hết là truyền hình trực tiếp) như Nhịp cầu âm nhạc, Bài hát Việt, Thay lời muốn nói... hoặc các chương trình giới thiệu tác phẩm - tác giả.Xuân Phú sở hữu một giọng nam trung đầm ấm, đặc biệt thích hợp với dòng nhạc trữ tình, đầy chất tự sự của các tác giả từ tiền chiến đến hiện đại: Ngày về (Hoàng Giác), Cung đàn xưa (Văn Cao), Chiều tím (Đan Thọ - Đinh Hùng), Còn gì nữa đâu (Phạm Duy), Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa), Tình khúc mùa xuân (Ngô Thụy Miên), Như ngọn buồn rơi (Từ Công Phụng), Hoa cỏ mùa xuân (Bảo Chấn), Thao thức (Hà Dũng), Trăng mơ (Minh Châu), Mai về nơi ấy (Hà Quang Minh), Mùa xuân đâu đó (Việt Anh)...Hiện nay, tuy không còn liên tục hát ở các phòng trà nhưng thỉnh thoảng Xuân Phú cũng trở lại với các khán giả của riêng mình bằng những mini live show hoặc tham gia các chương trình lớn, còn chủ yếu thời gian anh dành cho việc ghi âm. Tính đến nay, Xuân Phú đã có một “gia tài” album kha khá: Nơi cuối nỗi cô đơn, Xin còn gọi tên nhau, Một ngày không có em, Thao thức, Tìm em, Thuở ấy có em... tất cả đều thuộc dòng nhạc trữ tình, lãng mạn.Nhìn lại chặng đường nghệ thuật sau hơn 10 năm, Xuân Phú tự nhận không có nhiều sóng gió tuy cuộc sống không tránh khỏi những trục trặc, những va chạm. “Nhiều ca sĩ bất chợt vụt sáng vào một thời điểm nào đó và trở thành ngôi sao. Tôi không có được may mắn này. Sự thành công - nếu có thể nói là như thế - của tôi chính là do nỗ lực lao động nghệ thuật từng ngày. Chậm mà chắc, để đến hôm nay tôi có được một vị trí trong làng ca nhạc và trong lòng nhiều khán giả. Xin cám ơn đời, cám ơn những người đã giúp đỡ và cám ơn khán giả thật nhiều”.