Tên thật: Xuân Hiếu
Ngày sinh: 1975 - Quốc gia: Việt Nam
Công ty đại diện: Ca sĩ Tự Do
Nếu như Hồng Nhung thường gắn với
hình ảnh của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn lãng tử và phiêu lưu; thì
Mỹ Linh, Lam Trường, Cẩm Ly, Phương Thanh lại thích phong cách bụi bặm
rất phong trần của Xuân Hiếu. Cùng với hai cha con nghệ sĩ Quyền Văn
Minh - Quyền Thiện Đắc, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và Xuân Hiếu đã tạo nên
bộ tứ “cây” saxophone “đỉnh” nhất trong làng âm nhạc Việt Nam hiện
nay...
Xuân Hiếu được sinh trưởng trong một gia đình có truyền
thống nghệ thuật, nên tư chất âm nhạc và phong cách nghệ sĩ đã ăn sâu
vào máu. Năm 10 tuổi, Xuân Hiếu được mẹ cho làm quen với nhạc cụ và tập
những bài học vỡ lòng. Âm thanh đầu tiên được rung lên bởi chính Xuân
Hiếu không phải là tiếng kèn saxophone mà là tiếng của đàn piano, bởi
mẹ anh là một nghệ sĩ piano khá nổi tiếng .
Lúc ấy, anh nghĩ cuộc đời mình sẽ gắn chặt và đóng đinh
trên cây đàn piano, nhưng “duyên mệnh” lại rẽ anh sang một hướng đi
khác. Vẫn là con đường nghệ thuật, tuy nhiên anh anh không trở thành
nghệ sĩ piano như mẹ mà là một saxophonist giống cha anh.
Vài năm sau khi Hiếu bắt đầu học đàn thì cha anh – một
nghệ sĩ saxo lừng danh của những thập niên 40 - 60 quyết định chọn anh
trong số 9 người con để truyền lại những ngón nghề của ông . Và đây mới
là sự lựa chọn chính trong con đường nghệ thuật của Hiếu, “duyên nợ”
của anh thực sự mới là cây kèn Saxophone...
Năm 19 tuổi Hiếu gia nhập ban nhạc Đại Dương với tư
cách là thành viên nhỏ tuổi nhất. Đến giữa năm 1996, anh tham gia thành
lập ban nhạc Sài Gòn Jazz với ca sĩ Ánh Tuyết và trình diễn hàng tuần
tại Nhà hát Tp. HCM.
Những bước đi âm nhạc đầu tiên của Hiếu hướng về dòng
nhạc jazz - một dòng nhạc đầy ngẫu hứng, phiêu linh mà người nghệ sĩ có
thể “tung hứng” giai điệu theo cảm xúc và cảm hứng sáng tạo riêng. Hiếu
đam mê dòng nhạc lạ lẫm, mới “chập chững” bước vào âm nhạc Việt Nam như
Jazz.
Nhưng theo quy luật thường tình những gì mới bao giờ
cũng khó chấp nhận và bị xem xét khắt khe. Nhạc jazz cũng vậy, vào Việt
Nam không chỉ là một “món ăn mới” trong thực đơn âm nhạc của người Việt
mà dòng nhạc này tự bản thân nó cũng rất kén chọn người nghe, không
thuộc về số đông khán giả và khó cảm thụ, nên đó cũng là lý do mà jazz
không được phổ biến như Pop, Techno, Disco hay Funk ... vốn có đông đảo
người hâm mộ.
Cũng vì vậy mà Hiếu đành chia tay với niềm đam mê nhạc
jazz để quyết định con đường đi của mình hướng về phía đại chúng. Anh
luôn tự nhủ: mình là người của công chúng, phục vụ cho công chúng nên
phải hướng suy nghĩ và cách thể hiện âm nhạc của mình để dành cho số
đông .
Vì thế mà Xuân Hiếu đã chuyển hành trình âm nhạc từ
jazz sang pop - gần gũi với người nghe hơn. Năm 2001 anh nổi lên như
một cây saxophonist trẻ hiếm hoi ở TP.HCM. Anh chơi tất cả các loại
nhạc từ Techno, Funk đến Disco chứ không chỉ có pop.
Xuân Hiếu đã “thu phục” được khán giả bằng tiếng kèn
saxophone bay bổng và tình cảm chân thật xuất phát từ trái tim người
nghệ sĩ khi cảm nhận và biểu diễn tác phẩm. Hiện nay anh được coi là
cây saxo ăn khách thường tham gia biểu diễn trong các chương trình lớn
trên truyền hình và rất nhiều các liveshow của các ca sĩ.
Hai album đầu tiên đi đến trái tim của người hâm mộ đó
là album độc tấu Saxophone Cát Bụi (6/2002) với những tình khúc hay
nhất của Trịnh Công Sơn và album Mưa bụi (8/2002) gồm nhiều tác phẩm
chọn lọc về chủ đề mưa.Cùng với saxophone Trần Mạnh Tuấn thì Xuân Hiếu
là cũng được đánh giá là nghệ sĩ truyền tải rất sâu lắng, tình cảm
những giai điệu âm nhạc du dương của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn .
Sau thành công của “Những tình khúc nhạc Pháp Vol 1”,
Xuân Hiếu đã cho ra mắt tiếp album Vol 2. Những bản nhạc Pháp du dương
được Xuân Hiếu thể hiện đã làm đắm say lòng người. Với người yêu nhạc
thì nhạc Pháp đã là một phần của đời sống tâm hồn. Nhưng sau một thời
gian bị “lép vế ” trước sự ồ ạt đổ bộ của dòng nhạc Hàn, Thái, Hoa, Hip
– hop thì nhạc Pháp đang dần trở lại bình thường trong sinh hoạt Việt
theo cách rất riêng.
Trong 2 album hoà tấu nhạc Pháp của Xuân Hiếu đều có sự
phối hợp của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Cả anh và Võ Thiện Thanh đều tìm
cách đưa những giai điệu lừng danh của Pháp đến vơi công chúng bằng
niềm say mê của họ: nhạc sĩ Võ Thiện Thanh bằng hoà âm đã mang lại cho
những bản nhạc Pháp kinh điển một không gian mới; còn Xuân Hiếu chọn
lối chơi saxophone như hát, lối chơi thô mộc mà mượt mà, luyến láy.
Thành công nối tiếp thành công, Xuân Hiếu liên tục
khẳng định đựơc vị trí của mình bằng các album độc tấu. Trong Xuân Hiếu
– Tình nghệ sĩ , album độc tấu thứ năm , anh đã đưa ru lòng người bằng
các ca khúc của dòng nhạc tiền chiến xưa cũ và lãng mạn như Gửi gió cho
mây ngàn bay, Tình nghệ sĩ, Nỗi lòng, Xóm đêm,...
Qua album này người nghe có thể thấu hiểu và trải lòng
cùng với những tâm sự của người nghệ sĩ Saxophone . Xuân Hiếu đã và
đang không ngừng chinh phục trái tim khán giả, khẳng định tài năng và
vị trí của anh trong làng nhạc Việt. Trong tương lai tiếng kèn của Hiếu
còn bay bổng và vang xa hơn nữa...