Tên thật: Trương Phát Tông
Ngày sinh: 15/09 - Quốc gia: China
Tên tiếng Hoa: 張國榮 [phồn], 张国荣[giản]
Phiên âm: Zhāng Guóróng
Tên tiếng Việt: Trương Quốc Vinh
Tên tiếng Anh: Leslie Cheung
Tên khai sinh: Trương Phát Tông
Tên thân mật: Gor Gor - 哥哥 - Ca Ca
Ngày sinh: 12 tháng 9 năm 1956
Nơi sinh :Hồng Kông
Ngày mất: 1 tháng 4, 2003 (46 tuổi)
Nơi mất :Hồng Kông
Chiều cao: 1m75
Tên khác: Cheung Kwok-Wing, Zhang Guorong

THỜI THƠ ẤU - ĐẾN TRƯỜNG
Trương Quốc Vinh sinh ngày 12 tháng 9 năm 1956 tại Cửu Long, Hồng Kông với tên khai sinh của là Trương Phát Tông (張發宗), sau được đổi thành Trương Quốc Vinh. Trương Quốc Vinh là con út trong một gia đình trung lưu có mười người con, cha anh là một thợ may nổi tiếng. Cha mẹ Trương Quốc Vinh ly dị khi anh còn khá nhỏ. Năm 13 tuổi, anh được gửi đi học ở Anh, tại Eccles Hall School, và phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc tại đây. Anh từng làm phục vụ cho một nhà hàng của những người đồng hương, và đi hát vào mỗi cuối tuần. Đây là thời gian anh chọn tên tiếng Anh cho mình, Leslie. Theo Trương Quốc Vinh, anh chọn cái tên này vì: "Tôi rất thích bộ phim Cuốn theo chiều gió, cũng như diễn viên Leslie Howard. Cái tên đó phù hợp với cả hai giới, nó phi giới tính, nên tôi thích nó."
Trương Quốc Vinh theo học tại Leeds University, ngành Quản lý dệt may. Nhưng vào cuối năm thứ nhất, căn bệnh của cha anh khiến Trương Quốc Vinh phải bỏ học và trở về Hồng Kông.

SỰ NGHIỆP
Trương Quốc Vinh được xem như "Người đi tiên phong của làng nhạc Cantopop", và sở hữu một sự nghiệp thành công rực rỡ trên cả hai lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh. Trong âm nhạc, anh được mệnh danh là "Elvis của Hồng Kông", còn với điện ảnh, anh được công nhận như một diễn viên đa tài có thể đảm nhận nhiều loại vai khác nhau, đặc biệt với những vai diễn trong các bộ phim nghệ thuật.

KHỞI NGHIỆP
Năm 1977, Trương Quốc Vinh tham gia và giành giải nhì tại Cuộc thi Âm nhạc châu Á, tổ chức bởi Rediffusion Television Co. (RTV). Anh ký hợp đồng với RTV (hãng truyền hình sau này được đổi thành Asia Television Company - ATV) và bắt đầu bước vào làng giải trí Hồng Kông. Ngoài ra, Trương Quốc Vinh còn ký một hợp đồng âm nhạc với Polydor Records, phát hành 2 album Day Dreaming (1977) và Lover's Arrow (1979).
Những ngày đầu sự nghiệp của Trương Quốc Vinh hoàn toàn không thuận lợi. Anh từng có lần bị đuổi khỏi sân khấu, hai album đầu của anh cũng không được công chúng hoan nghênh. Kết thúc hợp đồng của mình, Trương Quốc Vinh rời khỏi Polydor Records. Bộ phim đầu tiên Trương Quốc Vinh tham gia, The Erotic Dream of the Red Chamber (紅樓春上春, 1978) là một phim khá "lộ liễu", để lại một điểm xấu trong sự nghiệp của anh. Về sau Trương Quốc Vinh phát biểu, anh không biết đến tính "nhạy cảm" của bộ phim khi ký kết hợp đồng.
Trong thập niên 1970, 1980, Trương Quốc Vinh tham gia trong một số bộ phim truyền hình như The Young Concubine (我家的女人), Agency 24 (甜甜廿四味), Pairing (對對糊) và The Spirit Of The Sword (浣花洗劍錄). Những bộ phim này giúp anh trở thành một gương mặt quen thuộc của màn ảnh nhỏ tại Đông Nam Á.

VƯƠN LÊN ĐỈNH CAO
Năm 1982, Trương Quốc Vinh gia nhập Capital Artists khi kết thúc hợp đồng với RTV. Đây là lúc Trần Thục Phân - người vẫn theo Trương Quốc Vinh đến tận sau này - bắt đầu làm quản lý cho anh. Tại Capital Artists, Trương Quốc Vinh cũng gặp được Mai Diễm Phương - một thần tượng khác của Cantopop, và bắt đầu tình bạn thân thiết lâu năm của họ.
Năm 1983, The Wind Blows On (風繼續吹) trở thành bài hit đầu tiên của Trương Quốc Vinh. Và năm 1984, Monica lọt vào danh sách Top 10 bài hát được yêu thích nhất. Ca khúc sôi động này cũng giành được giải Top 10 ca khúc vàng tiếng Hoa của RTHK. Monica trở thành đại diện cho một thể loại nhạc mới của Hồng Kông vào giữa thập niên 1980. Người nghe từ đây bắt đầu mong mỏi Cantopop có thêm nhiều bài hát sôi động và mạnh mẽ, mang âm hướng nhạc dance như vậy. Những bài hát khác lọt vào Top 10 ca khúc vàng của Trương Quốc Vinh còn có Wild Wind (不羈的風, album For Your Love Only, 1985); Who Can Be With Me (有誰共鳴, album Leslie Cheung: Allure Me, 1986) và Mode of Those Years (當年情, ca khúc chủ đề cho bộ phim Anh hùng bản sắc, album Leslie Cheung: Allure Me, 1986). Ngoài ra, Who Can Be With Me còn giành được giải Bài hát vàng của năm (1986).
So với lĩnh vực âm nhạc, sự nghiệp điện ảnh của Trương Quốc Vinh khởi sắc có phần muộn màn hơn. Trong Encore (1980) và Thất nghiệp sinh (On Trial, 1981), Trương Quốc Vinh đảm nhận hai vai phụ. Tuy nhiên, tài năng diễn xuất của anh lại nhanh chóng được công nhận với Đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông (HKFA) cho vai diễn trong Thất nghiệp sinh. Sau đề cử này, Trương Quốc Vinh được mời vào vào vai nam chính trong Teenage Dreamers (1982), và kể từ đó, hầu như anh luôn đảm nhận vai chính trong những phim mình tham gia. Trong những năm 1980 đến 1986, hầu hết những bộ phim của Trương Quốc Vinh đều là phim dành cho giới trẻ. Trong số này, Liệt hỏa thanh xuân (No Mad, 1982) được các nhà phê bình và giới truyền thông Hồng Kông nhận định như "Một làn sóng mới" của điện ảnh. Vai Louis trong Liệt hỏa thanh xuân cũng đem lại cho Trương Quốc Vinh một đề cử giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông. Sau này, Trương Quốc Vinh phát biểu rằng, Liệt hỏa thanh xuân chính là phim điện ảnh "thật sự" đầu tiên của mình. Trong thời gian này, Trương Quốc Vinh còn tham gia vào một số phim truyền hình của Television Broadcasts (TVB), như Once Upon an Ordinary Girl (儂本多情) và The Fallen Family (武林世家).

VINH QUANG VÀ GIÃ BIỆT
Năm 1986, Trương Quốc Vinh gia nhập Cinepoly Records Hong Kong và cho phát hành album Summer Romance vào năm 1987. Album này đã giành được danh hiệu CD bán chạy nhất trong năm và Album bán chạy nhất trong năm. Thành công của Summer Romance càng đưa sự nghiệp âm nhạc của Trương Quốc Vinh lên đỉnh cao và giúp anh trở thành một trong hai thần tượng của làng Cantopop lúc bấy giờ cùng Đàm Vịnh Lân. Năm 1988, Im lặng là vàng (沉默是金) ra đời, đây là một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Trương Quốc Vinh. Hot Summer (1988), Virgin Snow (1988), Leslie '89 (Side face, IFPI - Album Bán chạy nhất trong năm, 1989), Final Encounter (1989), và Salute (1990) là những album nổi tiếng khác mà Trương Quốc Vinh cộng tác với Cinepoly Records. Salute là album đầu tiên được làm với mục đích phi lợi nhuận bởi một ngôi sao lớn của làng nhạc Hồng Kông. Trong album này, Trương Quốc Vinh chỉ hát lại những bài hát của các ca sĩ khác. Với anh, Salute chính là cách bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đối với âm nhạc. Toàn bộ số tiền thu được từ album này, Trương Quốc Vinh đã ủng hộ cho Học viện đào tạo Nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông - sau này trở thành Quỹ học bổng Tưởng nhớ Trương Quốc Vinh khi anh mất
Cùng với sự nổi tiếng của Trương Quốc Vinh và Đàm Vịnh Lân, fan của cả hai ca sĩ này cũng quay sang "đối địch" lẫn nhau, sự tranh chấp "vị thế" của các fan ra sức ép nặng nề cho cả Trương Quốc Vinh và Đàm Vịnh Lân. Năm 1988, Đàm Vịnh Lân công khai rút khỏi toàn bộ các giải thưởng của làng nhạc pop. Và năm 1989, Trương Quốc Vinh tuyên số ý định giã từ sự nghiệp âm nhạc của mình. Anh trở thành ca sĩ đầu tiên có một sêri Nhạc hội từ giã sự nghiệp tại Đại hí viện Hồng Kông, với tổng cộng 33 đêm diễn (Trương Quốc Vinh lúc này vừa được 33 tuổi). Năm 1990, Trương Quốc Vinh rời khỏi Hồng Kông trong lúc sự nghiệp đang ở đỉnh cao và nhập cảnh British Columbia - Canada. Năm 1992, Trương Quốc Vinh trở thành công dân Canada nhưng sau đó không lâu, anh lại rời Canada để quay về Hồng Kông.
Trong những 1986 đến 1989, Trương Quốc Vinh tham gia một số phim được xem như kinh điển của điện ảnh Hồng Kông[11]. Anh hùng bản sắc (1986, đạo diễn Ngô Vũ Sâm) với sự tham gia của Chu Nhuận Phát, Trương Quốc Vinh, Địch Long đã trở thành bộ phim tiên phong cho thể loại "tam kiệt" của Hồng Kông trong thập niên 1980. Trong phim này, anh vào vai Tống Tử Kiệt, một cảnh sát trẻ ngay thẳng và đầy ý chí, ôm trong mình tình cảm cũng như sự oán giận với người anh trai - người mà cậu ta cho rằng đã gây ra cái chết cho cha họ. Vai diễn này giúp Trương Quốc Vinh được công chúng nhìn nhận như một diễn viên chuyên nghiệp.
Năm 1987, ngoài Anh hùng bản sắc II, Trương Quốc Vinh tham gia Yên chi khâu (đạo diễn Quang Cẩm Bằng) với Mai Diễm Phương, Thiến nữ u hồn (đạo diễn Trình Tiểu Đông) với Vương Tổ Hiền. Hai vai diễn cảnh sát viên Tống Tử Kiệt và chàng công tử si tình Trần Chấn Bang đem về cho anh hai Đề cử nam diễn viên xuất sắc nhất của Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông và Liên hoan phim Kim Mã. Thành công của Anh hùng bản sắc và Thiến nữ u hồn còn giúp Trương Quốc Vinh được các nhà làm phim Nhật Bản và Hàn Quốc biết đến, cũng như khởi đầu cho sự nổi tiếng của anh tại hai đất nước này. Cho đến nay, chưa có nam nghệ sĩ Hồng Kông hay Trung Quốc nào có thể đạt được ảnh hưởng tại Nhật Bản và Hàn Quốc như Trương Quốc Vinh. Nếu tính theo số lượng, người hâm mộ của anh tại Nhật Bản còn nhiều hơn ở Hồng Kông. Anh cũng là người mở đường cho âm nhạc Trung Hoa tiến vào thị trường Hàn Quốc, album đầu tiên phát hành tại Hàn Quốc của anh bán được 300.000 bản, trong khi các album của Tứ đại thiên vương sau đó cũng chỉ bán được 90.000 bản.

ĐỈNH CAO ĐIỆN ẢNH
Từ giữa thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990 là thời kì vàng son của điện ảnh Hồng Kông, đồng thời cũng là giai đoạn Trương Quốc Vinh đạt đến đỉnh cao sự nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh.
Năm 1991, bộ phim nghệ thuật kinh điển của Hồng Kông A Phi chính truyện của đạo diễn Vương Gia Vệ ra đời và thành công rực rỡ, vai Yuddy trong bộ phim này đã mang đến cho Trương Quốc Vinh giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 1991. Mặc dù đã từng phát biểu là rất "khó chịu" với cách làm việc của đạo diễn Vương Gia Vệ (Vương Gia Vệ làm phim thường không có kịch bản, ông hay bắt đầu mọi thứ bằng một ý tưởng, mời diễn viên, rồi vừa quay vừa nghĩ kịch bản, điều này có thể làm hao tổn rất nhiều thời gian và công sức của diễn viên, nhất là trong môi trường làm việc đầy rẫy khó khăn như Xuân quang xạ tiết), nhưng khán giả màn ảnh rộng đều công nhận đạo diễn này có thể đem đến cho điện ảnh một "Best of Leslie", điều này có thể chứng minh qua những bộ phim khác mà Trương Quốc Vinh hợp tác với Vương Gia Vệ.
Đông Tà Tây Độc (1994) là một bộ phim võ hiệp nhưng lại chú trọng khai thác tình cảm và mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau, vai kiếm khách kiêm sát thủ Âu Dương Phong trong bộ phim này đã đem về cho Trương Quốc Vinh giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Hong Kong Film Critics Society Awards. Xuân quang xạ tiết (1997) với diễn xuất xuất sắc của Trương Quốc Vinh (vai Hà Bảo Vinh) và Lương Triều Vĩ (vai Lê Diệu Huy) vẫn luôn là bộ phim gây xúc động cho khán giả trong rất nhiều năm.
Nhưng bộ phim được nhớ đến nhiều nhất của Trương Quốc Vinh lại là sự hợp tác giữa anh và đạo diễn Trần Khải Ca Bá vương biệt cơ (1993). Bá vương biệt cơ là bộ phim mà Trần Khải Ca tâm đắc nhất, việc tuyển chọn diễn viên cũng là một vấn đề khó khăn. Và lần đầu tiên, một diễn viên Hồng Kông được mời vào một phim của Trung Quốc đại lục. Trương Quốc Vinh đã đến Bắc Kinh nửa năm để học kinh kịch và tham gia bộ phim này. Bá vương biệt cơ đạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes và dành hai đề cử Phim nước ngoài hay nhất, Quay phim xuất sắc nhất tại giải Oscar. Trình Điệp Y, vai diễn xuất thần trong phim này đã đưa Trương Quốc Vinh lên hàng ngôi sao quốc tế, đây cũng là vai diễn được nhớ đến nhiều nhất của anh. Năm 2004, Bảo tàng Madame Tussauds Hồng Kông đã thực hiện bức tượng sáp Trương Quốc Vinh nhằm tưởng nhớ anh, bức tượng này được làm dựa theo hình mẫu của nhân vật Trình Điệp Y.
Năm 1996, Trương Quốc Vinh còn cùng Củng Lợi tham gia Phong Nguyệt, một bộ phim khác của Trần Khải Ca. Phim này cũng giành được đề cử giải Cành cọ vàng của Liên hoan phim Cannes.
Với những vai diễn trên, Trương Quốc Vinh đã được công nhận như một tài năng hiếm có của dòng phim nghệ thuật.
Năm 1998, Hồng sắc luyến nhân (đạo diễn Yip Ying) với vai Jin của Trương Quốc Vinh - một diễn viên Hồng Kông, bất chấp tình hình phức tạp của Hồng Kông lúc bấy giờ, vẫn đạt được thành công tại Trung Quốc đại lục. Vào năm 2004, bộ phim này còn giành được giải Phim nước ngoài được yêu thích nhất tại Liên hoan phim Bình Nhưỡng.
Những bộ phim quan trọng khác của Trương Quốc Vinh còn có Bạch Phát Ma Nữ truyện (với Lâm Thanh Hà, 1993), Kim chi ngọc diệp, Dạ bác ca thanh (1995) và Sắc tình nam nữ (với Thư Kì, 1996). Ba vai diễn trong ba phim này đã đem lại cho anh sáu đề cử Nam diễn viên xuất sắc nhất của Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông cũng như Liên hoan phim Kim Mã.
Là một diễn viên đa tài, Trương Quốc Vinh còn thành công ở thể loại phim hài hành động với Tung hoành tứ hải (với Chu Nhuận Phát, 1991), Gia hữu hỉ sự (1992), Đông thành Tây tựu, Thiên đại chi gia, và Kim ngọc mãn đường.
Trương Quốc Vinh luôn là một tên tuổi có thể đảm bảo doanh thu phòng vé cho các bộ phim mình tham gia. Từ năm 1990 đến 1998, 13 trong tổng số 39 phim của anh đã lọt vào Top 10 phim có doanh thu phòng vé cao nhất.
Trong những năm 1989 đến 1995, dù đã giã từ sân khấu ca nhạc, nhưng Trương Quốc Vinh vẫn tiếp tục công việc viết ca khúc. Anh đã sáng tác hơn mười bài hát trong thời gian này, và giành được được nhiều đề cử cũng như giải thưởng nhạc phim tại các liên hoan.

TRỞ LẠI ÂM NHẠC
Năm 1995, Trương Quốc Vinh cộng tác với Rock Records, và bắt đầu quay trở lại làng nhạc Hồng Kông với vai trò một ca sĩ chính thức. Cùng năm này, anh cho ra đời Beloved, album đầu tiên kể từ khi giã biệt người nghe. Beloved ngay lập tức đạt được thành công rực rỡ về doanh thu với danh hiệu IFPI Best Selling Album. Năm 1996, Trương Quốc Vinh phát hành album gần như được xem là đậm chất nghệ thuật nhất của mình: Red. Red là album hòa trộn nhiều thể loại nhạc khác nhau như jazz, R&B, trip hop... tạo nên một phong cách âm nhạc khác lạ rất đặc biệt, hoàn toàn khác với phong cách cũ của Trương Quốc Vinh trong thập niên 1980. Album này cũng chứa bài hát cùng tên Red, một ca khúc quan trọng trong sự nghiệp của anh. Năm 1998, Printemps, album tiếng Quan Thoại đầu tiên Trương Quốc Vinh được phát hành.
Trong năm 1997, Trương Quốc Vinh tổ chức nhạc hội đầu tiên từ khi quay trở lại: World Tour 97, từ 12 tháng 12, 1996 đến 17 tháng 6, 1997. Cũng giống như phong cách nhạc mới, anh thiệu cho khán giả của mình một hình ảnh hoàn toàn mới của mình. Phần trình diễn được yêu thích nhất của nhạc hội này chính là ca khúc Red, trong đó có đoạn Trương Quốc Vinh khiêu vũ cùng với một vũ công nam trên đôi giày gót cao màu đỏ. World Tour 97 bao gốm tất cả 55 buổi trình diễn: 24 buổi tại Hồng Kông và 31 buổi tại các thành phố khác trên thế giới, trong đó có 6 buổi diễn ra tại Nhật và Trung Quốc đại lục.
Năm 1999, Trương Quốc Vinh thành lập công ty âm nhạc Apex Music, và ký một hợp đồng với Universal Music Group (UMG). Những album quan trọng được phát hành bởi UMG bao gồm Count Down With You (1999), Big Heat (2000), và Untitled (2000). Những bài hit của anh trong thời gian này gồm có Passing-by Dragonfly, Big Heat, Left Right Hands. Ca khúc đạt giải "Bài hát yêu thích trọn đời tôi" của CASH - I được xem là một bài hát tự thuật của chính anh.
Năm 2000, Trương Quốc Vinh được trao tặng giải thưởng Golden Needle, giải thành tựu trọn đời của Cantopop. Ca khúc Monica của anh cũng được tôn là Ca khúc của thế kỷ bởi sức ảnh hưởng của nó. Cùng năm này, Trương Quốc Vinh được mời làm Đại sứ âm nhạc đầu tiên của Hiệp hội sáng tác Hồng Kông (CASH), và thực hiện bài hát chủ đề cho CASH Golden Sail Award.

NHỮNG NĂM CUỐI
Một trong hai bản DVD được phát hành của Passion Tour, Trương Quốc Vinh trong trang phục do Jean-Paul Gaultier thiết kế và mái tóc dài. Bản DVD còn lại "Leslie Cheung in Concerts", thu hình tại Malaysia, anh không mang mái tóc dài này
Năm 2000, Trương Quốc Vinh tổ chức Passion Tour, sê ri nhạc hội cuối cùng của mình. Passion Tour bao gồm 43 buổi trình diễn, bắt đầu từ 31 tháng 7, 2000 đến 16 tháng 4, 2001. Đây chính là nhạc hội đặc biệt và xuất sắc nhất của Trương Quốc Vinh. Với Passion Tour, Trương Quốc Vinh lần đầu tiên làm công việc chỉ đạo nghệ thuật, và anh cũng rất thành công như với vai trò ca sĩ. Trương Quốc Vinh mời Jean-Paul Gaultier thiết kế tất cả 8 bộ trang phục trong đợt trình diễn này. Tuy nhiên, những bộ trang phục, cùng với mái tóc dài của anh, lúc đầu đã bị giới truyền thông Hồng Kông công kích gay gắt. Về sau Trương Quốc Vinh công bố rằng Jean-Paul Gaultier đã vô cùng tức giận với những lời công kích không xác đáng đó và nói với anh trong một email, rằng ông sẽ không thiết kế trang phục cho bất kỳ nghệ sĩ châu Á nào nữa. Mặc cho những công kích ban đầu của giới báo chí Hồng Kông, Passion Tour vẫn gặt hái thành công rực rỡ và được chào đón nhiệt liệt ở khắp nơi, trong đó có Nhật Bản, nơi Trương Quốc Vinh tổ chức tới 10 buổi trình diễn. Cộng với World Tour 97 , anh đã lập kỷ lục về việc một nghệ sĩ nước ngoài có 16 nhạc hội tại Nhật. Không chỉ dừng lại ở đó, tại Trung Quốc, Trương Quốc Vinh còn giữ kỷ lục về việc có 2 đêm diễn tại sân vận động Thượng Hải với sức chứa 80.000 người. Passion Tour cũng đem về cho Trương Quốc Vinh giải Thành tựu quan trọng của Mingpao Weekly và Thành tựu âm nhạc của Chinese Pop Music Media Association.
Trong những năm cuối của thập niên 1990, Trương Quốc Vinh đánh dấu một bước ngoặc trong diễn xuất với những vai diễn gai góc. Trong Lưu tinh ngữ (The Kid, 1999, đạo diễn Jacob Cheung Chi-Leung), anh đóng vai một người cha nghèo nhận nuôi một đứa trẻ. Trong Thương Vương (Double Tap, 2000, đạo diễn Lo Chi Leung), là vai một sát thủ với bất ổn tâm lý. Và năm 2002, Dị độ không gian (Inner Senses, đạo diễn Lo Chi Leung) với vai một bác sĩ tâm thần khám phá ra vấn đề tâm lý của mình trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân. Dị độ không gian là bộ phim cuối cùng của Trương Quốc Vinh, khán giả tin rằng anh đã đưa cảm xúc thật của mình vào nhân vật trong phim, và bộ phim được đánh giá thành công cũng là nhờ vào diễn xuất của các diễn viên chính. Với những bộ phim này, Trương Quốc Vinh đã nhận được bốn đề cử Nam diễn viên xuất sắc nhất của Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông và Liên hoan phim Kim Mã.
Trong thời gian này, Trương Quốc Vinh cũng bắt đầu thử sức trong vai trò đạo diễn, bộ phim tuyên truyền chống hút thuốc lá dài 45 phút Yên phi yên diệt (From Ashes to Ashes) là tác phẩm đầu tiên của anh. Năm 2002, Trương Quốc Vinh bắt đầu thực hiện Stealing Heart, nhưng bộ phim này đã không thể hoàn thành bởi cái chết đột ngột của anh.

VẤN ĐỀ GIỚI TÍNH VÀ CHUYỆN TÌNH CẢM
Trong chuyện tình cảm, Trương Quốc Vinh đã từng công khai trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time Asia mình là người lưỡng tính. Anh từng có hai người bạn gái là Mao Thuấn Quân và Nghê Thi Bội, và đã có ý định kết hôn với Mao Thuấn Quân khi còn trẻ, nhưng sau đó chuyện giữa hai người lại không thành.
Một số sự việc xảy ra sau này, cộng thêm nỗi ám ảnh về hoàn cảnh không êm ấm giữa cha mẹ anh, được xem là nguyên nhân khiến Trương Quốc Vinh không có thêm một phụ nữ nào khác trong đời mình. Thay vào đó, những người quan tâm đến chuyện tình cảm của anh lại được biết nhiều về Đường Hạc Đức (唐鶴德, Daffy Tong Hok-Tak), người đàn ông đã ở bên Trương Quốc Vinh hơn 20 năm, được giới báo chí Hồng Kông gọi thân mật là Tong Tong (Đường Đường).
Đường Hạc Đức sinh năm 1958, vốn là con trai đỡ đầu của mẹ Trương Quốc Vinh. Cả hai quen biết nhau từ nhỏ. Năm 13 tuổi, Trương Quốc Vinh đã được gởi sang Anh du học, đến năm 18 tuổi, anh trở về và gia nhập làng giải trí Hồng Kông. Sau hai cuộc tình ngắn ngủi với Mao Thuấn Quân và Nghê Thi Bội, năm 1982, Trương Quốc Vinh gặp lại Đường Hạc Đức trong một buổi tiệc tại khách sạn Intercontinental (Hồng Kông). Mối quan hệ của họ bắt đầu từ năm 1983. Chuyện tình này về hình thức vẫn được giữ bí mật cho tới khi Trương Quốc Vinh mất.
Là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của Hồng Kông, Trương Quốc Vinh và chuyện tình cảm của anh được báo giới quan tâm không ít. Bắt đầu từ năm 1985, đã có lời đồn đại về mối quan hệ giữa anh và Đường Hạc Đức, và theo thời gian, số lượng bài báo với tít lớn kiểu "Gor gor và Tong lần đầu tiên tay trong tay nơi công cộng" ngày một gia tăng.
Chỉ duy nhất trong World Tour 1997, Trương Quốc Vinh mới hé lộ một chút về đời sống riêng tư cho khán giả của mình thấy. Vào buổi tối ngày 4 tháng 1, 1997, trong phần trình diễn thuộc World Tour 1997, Trương Quốc Vinh giới thiệu mẹ của anh đang ngồi ở hàng ghế khán giả và xin tặng bài hát kế tiếp cho bà. Liền sau đó anh giới thiệu Đường Hạc Đức, người ngồi cùng hàng ghế với mẹ mình, như "người bạn thân thiết nhất", "người tôi dành nhiều tình cảm nhất sau mẹ", và là người thứ hai anh muốn gởi bài hát đó đến. Ánh trăng nói hộ lòng anh, Trương Quốc Vinh đã trình diễn ca khúc này một cách tha thiết với những tiếng tán thưởng nhiệt liệt của khán giả. Một cách không chính thức, giới truyền thông và công chúng đã chấp nhận mối quan hệ giữa Trương Quốc Vinh và Đường Hạc Đức, họ bắt đầu thân mật gọi Đường Hạc Đức là "Tong Tong" (Đường Đường) - dựa theo biệt danh "Gor Gor" của Trương Quốc Vinh.
Khi Trương Quốc Vinh mất, rất nhiều tin đồn về việc mối quan hệ của anh và Đường Hạc Đức đang rạn nứt được tung ra. Tuy nhiên, bạn bè và người thân của Trương Quốc Vinh đã đứng ra bênh vực cho Đường Hạc Đức, tên anh cũng đứng đầu danh sách người thân trong lễ tang của Trương Quốc Vinh với tựa "Most Beloved". Theo di chúc của Trương Quốc Vinh, Đường Hạc Đức cũng là người thừa hưởng phần lớn tài sản do anh để lại. Dù có nhiều lời đồn thổi, mối quan hệ trên 20 năm giữa họ (thêm vào đó, nó bắt đầu từ khi cả hai vẫn còn khó khăn) vẫn luôn được nhiều người ngưỡng mộ.

SỰ RA ĐI
Trương Quốc Vinh đã tự sát vào ngày 1 tháng 4, 2003. Anh nhảy xuống từ tầng 24 của khách sạn Mandarin, thuộc quận trung tâm của Hồng Kông. Di thư để lại nói rằng nguyên nhân cái chết là do suy sụp tinh thần. Trương Quốc Vinh mất khi vừa 46 tuổi.
Là một trong những nghệ sĩ được yêu thích nhất châu Á, sự ra đi của Trương Quốc Vinh đã gây một cú sốc lớn cho làng giải trí châu Á và cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới. Những tin đồn về nguyên nhân cái chết lan ra với tốc độ chóng mặt khiến cho người thân của Trương Quốc Vinh phải nhanh chóng để anh yên nghỉ và không đưa ra bất cứ bình luận gì. Sau ngày Trương Quốc Vinh mất, người yêu lâu năm của anh, Daffy Đường Hạc Đức cho biết Trương Quốc Vinh đang bị suy sụp tinh thần và phải tìm đến các bác sĩ tâm lý gần một năm nay. Thậm chí Trương Quốc Vinh đã có ý định tự sát vào năm 2002. Về sau, người cháu gái của Trương Quốc Vinh cũng lên tiếng rằng, anh đã mắc phải bệnh nặng và trở nên suy sụp từ trước năm 2003.
Mặc cho những cảnh báo về dịch SARS ở Hồng Kông, hàng chục nghìn người - bao gồm giới nghệ sĩ và các fan - từ khắp nơi trên thế giới, đã đến Hồng Kông để dự lễ tưởng niệm Trương Quốc Vinh vào 7 tháng 4, 2003. Lễ tang của anh diễn ra vào ngày 8 tháng 4, 2003. Trong hơn một tháng, tin về cái chết của Trương Quốc Vinh đã chiếm hết các mặt báo ở Hồng Kông, cũng như giọng hát của anh cứ vang mãi trong không trung suốt thời gian ấy. Album cuối cùng của Trương Quốc Vinh, Everything Follows the Wind (一切隨風), được phát hành ba tháng sau cái chết của anh.

THƯ TUYỆT MỆNH CỦA TRƯƠNG QUỐC VINH:
• "Depression! 多謝各位朋友,多謝麥列菲菲教授, 一年很辛苦,不能再忍受, 多謝唐先生,多謝家人,多謝肥姐. 我一生沒做壞事 為何這樣?"
• "Tuyệt vọng! Cảm ơn tất cả bạn bè tôi. Cảm ơn giáo sư Felice Lieh-Mak (Bác sĩ tâm lý cuối cùng của Trương Quốc Vinh). Năm nay quá khó khăn. Tôi không thể chịu đựng thêm nữa. Cảm ơn anh Tong. Cảm ơn gia đình tôi. Cảm ơn chị Fat (Lydia Shum Din-ha). Cả cuộc đời tôi chưa làm gì sai. Tại sao mọi thứ lại trở nên thế này?"
Tuy Trương Quốc Vinh đã mất, nhưng những gì anh để lại trong tim người hâm mộ dường như không thể phai nhạt. Hằng nằm, cứ đến dịp sinh nhật và ngày mất của anh, Đại lộ Ngôi sao, Bảo tàng Madame Tussauds Hong Kong, khách sạn Mandarin luôn ngập đầy những đóa hoa dành cho anh, cả Hồng Kông vang lên giọng hát anh, và những người hâm mộ lại tụ họp cùng nhau - để tưởng nhớ về thần tượng của họ, Leslie Trương Quốc Vinh - ngay từ cái tên đã là một huyền thoại.

THÔNG TIN THÊM
• Trong âm nhạc, Trương Quốc Vinh được gọi là "Elvis của Hồng Kông" . Có một sự trùng hợp là, năm Elvis Presley mất cũng là năm Trương Quốc Vinh bắt đầu sự nghiệp của mình (1977)
• Trương Quốc Vinh đứng thứ nhất trong cuộc bình chọn "Mười người đẹp nhất Hồng Kông" của Commerical Radio.
• Năm 2000, Trương Quốc Vinh là người đàn ông duy nhất được bình chọn vào danh sách Bốn nhân vật đẹp nhất Hồng Kông ("Four Peerlessly Beautiful in Hong Kong" - Nói nôm na là "Tứ đại mỹ nhân" của Hồng Kông), ba người còn lại là ba phụ nữ: Lâm Thanh Hà, Zhu Ling Ling và Michelle Reis.
• Năm 2010, Trương Quốc Vinh đứng đầu bảng danh sách "19 người đàn ông đẹp nhất của điện ảnh Hong Kong" do trang web CNNGo, trực thuộc CNN, thực hiện.
• Trương Quốc Vinh là ngôi sao châu Á đầu tiên đại diện cho hãng Pepsi.
• Ca sĩ đầu tiên có nhạc hội thứ 100 tại Đại hý viện Hồng Kông vào năm 1997.
• Được công nhận là nghệ sĩ Hồng Kông được yêu thích qua mọi thời đại ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
• Diễn viên Hồng Kông đầu tiên được mời vào một bộ phim của Trung Quốc đại lục, Bá vương biệt cơ (1993). Và đây cũng là bộ phim Trung Quốc đầu tiên giành được giải Cành Cọ Vàng. Vào năm 2005, bộ phim này cũng được bầu là Phim Trung Quốc được yêu thích nhất mọi thời đại.
• Trong 10 phim đứng đầu danh sách 100 phim Trung Quốc được yêu thích nhất do khán giả Hồng Kông bình chọn, có 5 phim của Trương Quốc Vinh, và trong top 5, có 4 phim anh là diễn viên chính (#1 - Bá vương biệt cơ, #2 - A Phi chính truyện, #3 - Anh hùng bản sắc, #5 - Xuân quang xạ tiết, #6 - Yên chi khâu)
• Thành viên ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo năm 1993 và Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 1998.
• Ca khúc "Monica" của Trương Quốc Vinh được tôn là "Ca khúc của thế kỷ" tại Hồng Kông.
• Được đài CCTV-MTV tại Bắc Kinh-Trung Quốc gọi là "Asian Biggest Superstar".
• Được bầu chọn vào danh sách "10 nghệ sĩ hấp hẫn nhất thiên niên kỷ" ở Hồng Kông.
• Được bình chọn vào top 5 "Biểu tượng âm nhạc toàn cầu" của CNN, gồm có: Michael Jackson, The Beatles, Leslie Cheung (Trương Quốc Vinh), Bob Marley và Elvis Presley
• Lọt vào danh sách "10 biểu tượng văn hoá Trung Hoa của thế kỷ 20"
• Được bầu chọn là "Nam diễn viên Trung Quốc được yêu thích nhất trong vòng 100 năm", trong cuộc bình chọn do Henderson Land Development Co. Ltd, Hong Kong Ferry Co. Ltd, HKFAA và UA Cinemas tổ chức nhân Kỷ niệm 100 năm nền điện ảnh Trung Quốc (2005)
• Sau khi Trương Quốc Vinh mất, hội Red Mission và Leslie Legacy Association được thành lập với nhiều chi nhánh ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Hai tổ chức này luôn có các hoạt động thường niên để tưởng nhớ Trương Quốc Vinh.
• Bức tượng sáp của Trương Quốc Vinh tại Bảo tàng Madame Tussauds Hong Kong được ra mắt vào ngày 31 tháng 3, 2004 - kỷ niệm một năm ngày mất của anh. Bức tượng này không được đặt ở phòng "Biểu tượng âm nhạc" lẫn "Sự quyến rũ của Hồng Kông", mà là ở phòng "Các nhân vật lịch sử và Anh hùng dân tộc" (Trương Quốc Vinh là ca sĩ - diễn viên duy nhất có tượng đặt ở phòng này). Bức tượng sáp được làm theo hình mẫu của nhân vật Trình Điệp Y trong Bá Vương Biệt Cơ. Người kéo màn giới thiệu bức tượng là Đường Hạc Đức. Trong buổi trưng bày ra mắt Madame Tussauds Shanghai, bức tượng của Trương Quốc Vinh cũng nhận được nhiều sự quan tâm nhất so với gần 70 bức tượng còn lại.
• Trong một bài nghiên cứu về Vấn đề tự sát tại Hồng Kông, trường hợp của Trương Quốc Vinh được đề cập đến như một sự kiện có thể đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý công dân Hồng Kông. Theo thống kê, trong tháng 4, 2003, có 134 vụ tự sát tại Hồng Kông (dân số lúc bấy giờ là 6,9 triệu người), trong đó có 13 người đề cập thẳng tên Trương Quốc Vinh trong di thư của họ.
• Nhiều fan trên thế giới đã tưởng nhớ Trương Quốc Vinh bằng cách ủng hộ các băng ghế cho công viên ở nơi họ sinh sống. Như công viên Hibiya ở Tokyo, công viên Stanley ở Vancouver... đều có các băng ghế có ghi lời nhắn từ các fan dành cho Trương Quốc Vinh.
• Có một số bài hát viết về Trương Quốc Vinh, và ca khúc được các fan của anh yêu mến nhất là "Ca Ca" - sáng tác và trình bày bởi Lum Hon Yeung.