Lời bài hát được hát bởi Thúy Hường ft. Quang Vinh


Tên thật: Thúy Hường
Ngày sinh: 1964 - Quốc gia: Việt Nam
Là con gái Bắc Ninh, nên việc Thúy Hường trở thành chị hai quan họ chuyên nghiệp là chuyện tất yếu. Cùng với các liền chị, liền anh: Thúy Cải, Đình Tráng, Lệ Thanh, Thanh Hải… Thúy Hường là giọng ca trụ cột của Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh. Mắt ấy, miệng cười ấy cứ “lúng liếng là lúng liếng ơi” với áo mớ ba mớ bảy, nón quai thao, khăn mỏ quạ, xà tích.. cùng chất giọng vang- rền - nền- nảy qua các khúc ca Ngồi tựa mạn thuyền, Còn duyên, Người ở đừng về, Nhớ mãi khôn nguôi, Đêm qua nhớ bạn…


Gia đình không ai làm nghệ thuật, nhưng “quan họ thì ngấm từ bé. Đã là con gái Bắc Ninh thì phải biết quan họ chứ”. Ngoài đời, chị hai quan họ trông trẻ hơn nhiều khi đóng bộ mớ ba mớ bẩy. “Mặc trang phục quan họ trông có vẻ già hơn, nhưng tôi vẫn thích mặc” (Cười). Hỏi có buồn không khi hả như rút ruột ra mà khán giả trẻ lại…hơi bị hững hờ thì người quan họ bảo: “Tôi thấy thanh niên đến với quan họ rất nhiều. Đi hát ở nhiều trường đại học, sinh viên thích lắm, tham gia dạy câu lạc bộ, lớp trẻ tham gia cũng đông đảo, nhiệt tình”.


Cứ tưởng suốt ngày xốn xang với áo tứ thân, nón quai thao “người ơi người ở”… thế mà bất chợt người quan họ xuất hiện trên màn bạc. Không phải trong bộ phim ca nhạc kiểu Tiếng hát quan họ hay vai Giáng Hương vở Từ Thức gặp tiên mà lại là vai chính trong phim truyện nhựa nổi tiếng của đạo diễn tên tuổi hẳn hoi. “Hồi nhỏ, xem phim Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh chiếu ở bãi bóng, tôi rất thích Duyên của chị Lê Vân, nhưng chưa bao giờ nghĩ có một ngày sẽ được làm phim với cả chị ấy và đạo diễn Đặng Nhật Minh” - người quan họ kể lại vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Để tìm ra Ngữ - người phụ nữ thôn quê mộc mạc, mòn mỏi chờ chồng (phim Thương nhớ đồng quê), phó đạo diễn Nhuệ Giang đã đi nhiều đoàn nghệ thuật và cuối cùng Thúy Hường được chọn. “Lần đầu đóng phim, nên ngẫm lại thấy nhiều cái ngơ ngác, ngớ ngẩn lắm”. Chẳng hạn việc khóc. Tính Thúy Hường vốn hài hước. Hôm ấy, đang kể chuyện tiếu lâm với đồng nghiệp, không hề biết đạo diễn đang suy tư nên bị “quạt” rồi bắt vào quay ngay. Hôm khác thì tập đến 12 h đêm mà vẫn chưa khóc được cảnh về nhà mẹ đẻ khóc vì bị chồng ruồng rẫy, bỏ đi biền biệt, đạo diễn bảo soi gương thì thấy mặt mày đen nhẻm, xấu quá (vì bình thường mặc trang phục quan họ phải đẹp hơn) đã …tủi thân rồi, lại NSƯT Hoàng Yến đóng vai mẹ đẻ lại cứ tỉ tê kể chuyện cảm động, thế là… xuống bếp khóc luôn. Đạo diễn bảo quay thử, nhưng sau lấy luôn làm cảnh quay thật vì quá đạt.


Thúy Hường đã nhiều lần đem hån vÝa quan họ đi nước ngoài trình với quan khách gần xa. Nhưng nhớ lần tháp tùng Thương nhớ đồng quê đi dự Liên hoan phim ba châu lục Nantes (Pháp), LHP quốc tế Apsara (Cambodia), khán giả nước ngoài, Việt kiều tán thưởng vì đã được xem bộ phim hay về làng quê Việt Nam và hỏi cảnh thôn quê ấy còn như trong phim không, thế là Thúy Hường tranh thủ tiếp thị luôn: “Làng quê Việt Nam còn đẹp hơn thế nữa. Nếu muốn biết thêm thì xin mời quý vị sang thăm Việt Nam” và tặng thêm bài quan họ. Đến nay, Thúy Hường cũng góp mặt khá nhiều CD quan họ cùng liền anh, liền chị khác, nhưng chị mới ra riêng một VCD của Hồ Gươm Audio: Nhớ mãi khôn nguôi. Nghe Lúng liếng, Gửi bức thư sang, Đào Nguyên, Có ai xuôi về, Đêm qua nhớ bạn, Nhớ mãi khôn nguôi… thấy rõ chất giọng của người quan họ “vang, rền, nền, nảy”.


Sau Thương nhớ đồng quê, Thúy Hường tham gia một số phim khác. “Có lời mời đóng phim, nếu phù hợp và sắp xếp công việc ở đoàn được thì tôi vẫn tham gia. Cũng chỉ đóng vai gái quê thôi, chứ vai phụ nữ thành thị, đài các, ngoa ngoắt thì e là không làm tốt”. Thế mà thoắt một cái, đang là chị hai, chị Ngữ chân chất mộc mạc lại trở thành Di - người phụ nữ sống đầy bản năn, táo tợn giữa chốn rừng thiêng nước độc trong phim Đầm hoang. “Xem lại đến bản thân mình còn choáng. Vai Di có nhiều khó khăn, phải diễn làm sao bật lên được chất hoang dã của cô ta”. “Chứ không phải chị khó xử vì một số cảnh nóng bỏng à?” “Không. Những cảnh ấy ®· cã người khác đóng thế”. Đến chị Tần đội trưởng đội nữ thanh niên xung phong trong phim Ngã ba Đồng Lộc thì Thúy Hường lại đối mặt với nỗi lo khác, đó là “nhân vật có thật trong lịch sử. Phải diễn sao để khán giả thấy thật chân thật. Hôm nào, tiểu đội TNXP chúng tôi cũng rủ nhau ra mộ thắp hương cho các cô ấy”.


Vẫn tham gia làm phim, chứ Thúy Hường “không bao giờ bỏ quan họ, kể cả thành công lớn hơn với điện ảnh. Với tôi, điện ảnh là giấc mơ đẹp. Nhưng nếu theo điện ảnh từ đầu thì đâu có một Thúy Hường như ngày nay (cười). Quan họ ngấm vào máu rồi.