Lời bài hát được hát bởi Thảo Vân


Tên thật: Lê Thị Thu Vân
Ngày sinh: 1961 - Quốc gia: Việt Nam
Thời gian như là chớp mắt, mới đó mà Thảo Vân đã có trên 30 năm theo nghiệp Cải lương. Những cuộc đờn ca Tài tử của ba và anh trai thường xuyên được tổ chức tại nhà, hay tại các cuộc liên hoan, đám cưới, đám giỗ quanh vùng Mỏ Cày (Bến Tre) từ bao giờ đã thấm sâu vào tâm trí cô bé Vân, nên ngay từ nhỏ bé Vân đã biết ca rành nhịp, những làn điệu ba Nam, sáu Bắc ''nghe thét thành thuộc lòng'', chưa đầy mười tuổi bé Vân thành giọng ca nhí có tiếng ở xóm làng. Năm 1978, Lê Thị Thu Vân vừa tròn mười bảy tuổi (sanh năm 1961) trước nguyện vọng muốn được đi hát Cải lương của con gái, gia đình đã gởi Vân vô đoàn Cải lương Bông Dừa Trắng, Tỉnh bến Tre do Đạo diễn Hồ Bảy làm Trưởng đoàn.

Vân có gương mặt sáng đẹp, giọng ca truyền cảm có nghề, chẳng mấy chốc Thu Vân với nghệ danh Châu Vân có vị trí quan trọng trong đoàn, làm tiền đề cho những bước thăng hoa sau nầy. Thập niên 80 việc nghệ sĩ trải qua nhiều đoàn hát là chuyện bình thường, khẳng định sự thăng tiến nghề nghiệp, giá trị kinh tế lương tài năng của người nghệ sĩ. Châu Vân được nhiều sân khấu mời về hát chánh như Đoàn Hoa Mùa Xuân, Đoàn Tháp Mười B (do nghệ sĩ Lão thành Bảy Cao làm Trưởng đoàn) chính ở sân khấu nầy Châu Vân có bước tiến vượt bậc, triển vọng thành một cô đào sáng giá ở miền Tây, Nam bộ.

Năm 1996 Châu Vân chính thức về cộng tác với Đoàn Cải lương Tây Đô mở ra một bước ngoặt mới trong sự nghiệp ca hát của mình. Về với sân khấu mới, cần có sự thay đổi, nghệ danh Châu Vân giống kép được sửa lại thành Thảo Vân vừa nữ tính, vừa phù hợp với một nghệ sĩ đẹp, đang ở giai đoạn phát triển tài năng. Dù trải qua nhiều đoàn hát, nhưng đa số hát tuồng màu sắc, vô thưởng vô phạt, tình yêu gay cấn éo le, nên khi về hát ở Đoàn Tây Đô, chuyên diễn những vở xã hội hiện đại, phong cách nghệ thuật khác hẳn, với kinh nghiệm mười mấy năm đi hát, Thảo Vân hòa nhập rất nhanh, đồng thời như cá gặp nước, nhiều vai diễn hay như đo ni đóng giày được Thảo Vân hoàn thành xuất sắc. Năm 2000 tại Hội diễn SKCN Thảo Vân đã đoạt HCV với vai Hiền trong kịch bản Huyền thoại một tình yêu của Tác giả Hùng Tấn, Đạo diễn NStn Trần Ngọc Giàu. Hội diễn SKCNTQ 2005, Thảo Vân đoạt HCV với vai Má Ba trong vở Lời tự tình quê Hương, Tác giả NSUT Trúc Linh – Đăng Minh, Đạo diễn NSUT Trần Ngọc Giàu. Tại Liên hoan SK Nam bộ 2002, Thảo Vân đoạt HCV trong vở Dòng sữa đỏ. Với những thành quả đó, cộng phẩm cách, đạo đức của người nghệ sĩ năm 2007 Thảo Vân vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, phần thưởng xứng đáng, công nhận công lao của một nghệ sĩ tận tụy với nghề.

Chưa dừng lại ở đó tại Hội diễn SKCL 2009, một lần nữa Thảo Vân lại đoạt thêm HCV với vai Má Sáu trong kịch bản Mẹ của chúng con, tác giả Lê Thu Hạnh - Đức Hiền, đạo diễn NSUT Trần Ngọc Giàu. ở Đoàn Tây Đô mọi người hay đùa gọi Thảo Vân là cô giáo vàng. Bao nhiêu đó cũng đủ khẳng định tài năng của một nghệ sĩ trong mắt bạn nghề. Thảo vân có giọng ca buồn, thích hợp với những vai chính diện, những vai cán bộ, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thảo Vân vào vai rất nhẹ nhàng, tự nhiên, lối diễn thật với giọng ca chân phương truyền cảm, cô đã chinh phục những khán giả khó tính, kể cả những Ban Giám khảo khắc khe ở các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật. Sắp bước qua tuổi 50, Thảo Vân nhìn rất trẻ so với tuổi đời. Qua biết bao thăng trầm của một đời nghệ sĩ đem nghệ thuật phục vụ mọi người, Thảo Vân vẫn giữ được nét dịu dàng, xinh đẹp, sống an phận với những gì mình đang có.

Với bề dày của một nghệ sĩ từng trải, Thảo Vân có thể hát được nhiều loài vai có tính cách khác nhau, không còn trẻ để hát đào chánh, Thảo Vân hát dàn bao làm nền, làm chỗ dựa vững chắc cho lớp diễn viên trẻ của Đoàn Cải Lương Tây Đô, nhiều nghệ sĩ đã rời đoàn, Thảo Vân vẫn bám trụ. Không phải cô không tìm được chỗ đứng mới ở những đoàn hát khác, nhưng đoàn tây Đô với Vân có quá nhiều duyên nợ, ân tình, nơ đã đưa Thảo Vân tới đỉnh cao sự nghiệp của một đời nghệ sĩ, không phải ai cũng có môi trường, cơ hội tốt như vậy.Thảo Vân chia sẻ : ''Em không ngờ mình lại hợp với đoàn Tây Đô như vậy, em biết mmh có được một tài sản nghệ thuật to lớn, mà tiền bạc không thể so sánh được, bây giờ lớn tuổi rồi, đoàn phân vai gì hát vai đó. Trước đây khi còn hát chánh cũng vậy, đoàn tăng cường ngôi sao, em hát chia vai, hát nhì, thiếu vai gì hát vai đó. Khi ngôi sao đi em lại tiếp tục hát lại vai chánh. Với em không phải là diễn vai gì, mà minh phải diễn như thế nào khi bước ra sân khấu để chinh phục khán giả, mỗi vai đều có cách thể hiện riêng, chỉ sợ mình tìm không ra cách thể hiện hiệu quả nhất..."

Nhìn Thảo Vân vào vai Cung Phi Điểm Bích cho vở diễn thi tốt nghiệp Đạo diễn sân khấu của đạo diễn Diệp Tín, vẫn còn đó lấp lánh tài năng của một nghệ sĩ tài sắc, hiền lành, một phong cách biểu diễn hoàn toàn khác với Cung Phi Điểm Bích của NSUT Thanh Thanh Hiền. Tôi chợt bất ngờ, có một Nghệ sĩ ưu tú sống và hoạt động nghệ thuật hết mình, thầm lặng đáng trân trọng, không đỏng đa, đỏng đảnh, màu mè, ích kỷ, đạp lên người khác để tự khoe mình, với số cát sê cao ngất mặc cho sân khấu tàn lụn, mặc cho nỗi buồn sân khấu trôi qua, một vài nghệ sĩ ''ngôi sao'' đang vắt kiệt, bôi bác Cải lương, miễn sao mình được sống giàu sang, nhởn nhơ. Sân khấu cải lương còn nhiều người tâm huyết như Thảo Vân, thầm lặng mà tài năng, khiêm tốn mà đầy bản lĩnh. Đáng quý thay những nghệ sĩ một đời sống chết với nghề.