Tên thật: Minh Phượng
Tấu khúc Nocture C sharp minor dìu dặt, khoan thai như kể lại câu chuyện có người thiếu nữ tóc xõa dài, bước ra từ bức tranh trên tường...
Người nhạc sĩ buông từng phiếm nhẹ để hồn thơ, ý nhạc quấn quýt với nhau...

Tiếng đàn đó bao giờ cũng thánh thót, nhất là khi nàng trình bày nhạc của Chopin “Sở trường của tôi là nhạc của Chopin, còn sở đoản của tôi là tất cả những loại nhạc cổ điển bởi vì tôi mê thơ, còn nhạc của Chopin lại giống như thơ bởi vậy mê thơ thì phải mê Chopin là thế,” Pianist Minh Phượng giải thích về những dòng nhạc khác nhau trong nhạc cổ điển của thế giới huyền ảo Piano.

“Tôi tốt nghiệp nhạc viện Huế, chuyên khoa Piano năm 1991, sau đó tôi tiếp tục ở lại trường dạy thêm một thời gian và đồng thời dạy kèm thêm bên ngoài” người con gái có giọng nói Huế nhẹ tâm tình, chia sẻ...

Ðã ba lần tôi gặp nữ nhạc sĩ dương cầm đó, cả ba lần đều cho tôi cảm xúc khác nhau, những tình cảm sâu lắng, vời vợi của âm nhạc và nghệ thuật xen lẫn trong đó sự dịu dàng, tế nhị của người thiếu nữ lúc nào cũng e ấp, đằm thắm. Nàng là người con của xứ thần kinh, có cầu Trường Tiền 6 vài, 12 nhịp - “Cầu bao nhiêu nhịp, dạ sầu bấy nhiêu!” câu hò xa vắng vang vang trên sông Hương khi hoàng hôn đang từ từ ngả nón.

Pianist Nguyễn Thị Minh Phượng, đẹp dịu dàng với mái tóc chấm ngang lưng, khuôn mặt đượm nét buồn, điềm đạm với đôi mắt nâu long lanh, sáng như muôn ngàn nốt nhạc nhảy múa theo đôi bàn tay uyển chuyển trên phím đàn dương cầm trắng xóa...

Minh Phượng là con“nhà nòi,” dùng chữ “nhà nòi” ở đây, người viết muốn nói là cả gia đình cô đều xuất xứ từ nhạc viện Huế, “Ba tôi dạy ở nhạc viện, mẹ tôi cũng làm việc tại đó, còn hai em gái tôi tốt nghiệp với các bộ môn như Violin, và sư phạm” Minh Phượng tâm tình.

“Tôi yêu âm nhạc từ thuở bé, 11 năm ngồi ghế nhà trường, miệt mài với âm nhạc, nghệ thuật và đã có lúc tôi chợt hiểu ra dường như âm nhạc chính là nguồn sống của mình” Minh Phượng chia sẻ tại sao cô chuyên ngành về nhạc cổ điển.

“Nhạc cổ điển khác với dòng nhạc phổ thông ở chỗ bạn không thể 'xào nấu' hay thêm bớt gì bên cạnh những gì đã có trong khuôn khổ bài nhạc” Minh Phượng trình bày thêm.

“Có hai người cùng biểu diễn nhạc cổ điển, nhưng nếu để gọi là người này thể hiện khá hơn người kia thì chính là sự so sánh tình cảm mỗi người bỏ vào bài nhạc là bao nhiêu.”

Theo Minh Phượng, để được gọi là một nhạc sĩ thành công với một tác phẩm cổ điển thì người nhạc sĩ ấy phải làm thế nào chạm vào được sự cảm nhận của người nghe, làm thế nào người nhạc sĩ biểu diễn có thể vươn tới được đỉnh cao của những nốt nhạc hay bước xuống bề sâu thẳm của tâm hồn...

“Bố tôi lúc còn sống ông vẫn thường nhắc nhở chúng tôi: âm nhạc muốn hoàn thiện phải được đến từ trái tim của con người, và cứ mỗi lần tay mình chạm vào đàn có nghĩa là một nốt nhạc trước khi bay thoát ra tới tai của người thưởng thức thì ít nhất âm thanh đó phải đi qua 25 bộ phận trong cơ thể chúng ta bao gồm những hệ thần kinh, máu huyết lưu thông và thịt da xen lẫn cảm xúc buồn vui lẫn lộn... Tất cả tạo thành một vũ điệu dìu dặt, khoan thai hay sóng gào, biển thét, cuồng nộ phong ba...” Người nhạc sĩ nhắc nhớ về ba mình như một kỷ niệm êm đềm đang trỗi dậy trong khoảnh khắc của buổi chiều có ánh nắng tà đang từ từ tắt lịm...

Lời khuyên rất chân tình dành cho bất cứ ai muốn bước chân vào lãnh vực nghệ thuật, âm nhạc cổ điển, trước tiên phải có sự đam mê và nghiêm túc, cô giải thích, “Ðam mê để giữ chân bạn ở lại lâu hơn với đàn, với nghệ thuật, còn nghiêm túc để tập cho bạn thói quen mỗi ngày phải ngồi vào đàn để tập dượt ít nhất từ 1 giờ đồng hồ trở lên.”

“Âm nhạc cổ điển là con đường rất dài, bởi vậy đòi hỏi người yêu âm nhạc cổ điển phải bền chí, không được nản lòng... Không bao giờ bạn thấy đủ cả vì 'sự học là học hoài, học mãi' mà,” Minh Phượng chia sẻ.